top of page

Ánh nắng mặt trời:

Ánh sáng rất quan trọng cho sự sống. Ánh sáng mặt trời thiết yếu cho Đức Chúa Trời để sáng tạo thực vật và động vật trên mặt địa cầu. Vì thế ngay từ buổi sáng thế, Đức Chúa Trời đã tạo nên sự sáng trước tiên. Ngài phân biệt sự sáng và sự tối. Thượng Đế thấy sự sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. Thượng Đế đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. (Sáng thế Ký 1:3-4). Đến giai đoạn thứ tư trong kỳ tạo thế, Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và đêm; lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; Thượng Đế dựng nên mặt trời để soi sáng ban ngày, và mặt trăng để soi sáng ban đêm cùng vô số tinh tú lấp lánh trong bầu trời. Thượng Đế cho ánh nắng là tốt lành. (Sáng thế Ký 1:14-19)

Tác giả sách Truyền Đạo chép: “Ánh sáng thật là êm dịu; con mắt thấy ánh sáng mặt trời lấy làm vui thích” (Truyền Đạo 11:7). Ánh sáng vật lý soi sáng chan hòa trên mặt địa cầu để cho muôn vật sinh sôi nẩy nở, cây cối xinh tươi. Mọi vật sẽ suy yếu nếu không có ánh nắng. Ánh nắng rất quan trọng đối với sự sống của con người. Sau đây là những tác dụng quan trọng của ánh nắng mặt trời:

1. Ánh nắng tác dụng trên da, biến chất dầu dưới da tự sáng chế ra sinh tố D cho cơ thể. Sinh tố D giữ vai trò quan trọng trong việc chế tạo chất vôi (calcium) và chất lân (phosphorus). Chất vôi và chất lân rất cần thiết cho sự tăng trưởng, cấu tạo và tu bổ trọng khối xương và răng. Người lớn hay trẻ em cứ mãi sống trong phòng tối, thiếu ánh sáng và ánh nắng mặt trời thì da sẽ xanh xao, xương cốt sẽ yếu ớt, trẻ em sẽ chậm lớn, chậm phát triển. Sinh tố D rất cần cho cơ thể, nhưng thực phẩm không thường không cung cấp sinh tố D, mà phải do ánh nắng mặt trời tạo ra nó cho cơ thể. Theo US RDA, trung bình mỗi người cần 400 đơn vị sinh tố D mỗi ngày. Với con số này, chúng ta chỉ cần ra ngoài ánh nắng mặt trời trong vòng 5 phút là đã có đủ số đơn vị sinh tố D cần dùng. Chúng ta không cần phải phơi nắng quá lâu.

2. Ánh nắng mặt trời là một lợi khí làm giảm lượng mỡ cholesterol và mỡ triglycerides trong máu. Hoạt động ngoài ánh nắng mặt trời có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu đến 30%.

3. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi một người vận động ngoài ánh nắng mặt trời giúp máu huyết lưu thông dễ dàng, vì có nhiều dưỡng khí được hấp thụ vào máu. Họ cảm thấy yêu đời hơn. Thống kê cho biết rằng có 10 triệu người Hoa Kỳ bị tình trạng buồn chán, suy nhược nặng, vì họ phải làm việc hoặc sống trong phòng kín, thiếu ánh nắng mặt trời. Và có khoảng 25 triệu người khác bị nhẹ hơn.

4. Ánh nắng mặt trời làm tăng sức mạnh và sự chịu đựng của bắp thịt. Bắp thịt của người hoạt động ngoài trời tăng trưởng mau hơn người vận động trong nhà.

5. Làm tăng chất kháng thể Gamma (một dạng chất đạm thấy ở huyết cầu giúp cơ thể chống nhiễm độc.)

6. Làm giảm bệnh vàng da của trẻ sơ sanh.

7. Kích thích hoạt động của gan.

8. Giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
. Ánh nắng mặt trời làm tăng lượng đường trong máu nếu chất đường trong máu quá thấp.
. Nếu lượng đường trong máu quá cao, ánh nắng mặt trời tác dụng giúp cơ thể giảm lượng đường. Thông thường thì ánh nắng mặt trời không làm giảm chất đường dưới mức trung bình. Tuy nhiên, các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nên tham khảo bác sĩ để giảm lượng insulin trước khi tắm nắng để ngừa trường hợp lượng đường xuống quá thấp đến mức nguy cấp.

9. Tăng chất biến dưỡng biến chế thức ăn trong cơ thể do tuyến giáp trạng hoạt động tích cực hơn.

10. Ánh nắng chiếu vào mắt qua tùng quả tuyến ở phía trước não, ảnh hưởng đến tuyến nước mắt giúp kiểm soát hạch sản xuất chất nhờn nước mũi và các nội tuyến khác.

11. Ánh nắng mặt trời có khả năng giết vi trùng, vi khuẩn và các loại nấm mốc. Ánh nắng giúp vết thương mau lành.

12. Ánh nắng còn có khả năng trị bệnh. Trong Kinh Thánh Ma-la-chi 4:2 chép: “Nhưng về phần các ngươi là kẻ kính sợ danh ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bệnh.”

13. Đối với thảo mộc, ánh nắng mặt trời cho năng lượng để biến hóa chất thán tố Carbon Dioxide và nước thành chất Carbonhydrates là một hợp chất hữu cơ gồm tinh bột và đường. Ánh sáng mặt trời tác dụng trên thực vật để cho hiện tượng photosynthesis tức là hiện tượng quang hóa (hay lục hóa) để biến ra chất lục diệp tố cho cây lá xanh thắm, sinh hoa, kết nụ. Thiếu hiện tượng quang hóa này, cây cối sẽ èo uột, vàng úa, không phát triển, thú vật và loài người sẽ chết đói. (Phỏng theo Eleanor N. Whitney và Eva M. Hamilton trong Understanding Nutrition, tập I, trang 401)

Nhưng ánh nắng mặt trời cũng có mặt trái của nó, nếu ai lạm dụng quá độ. Theo quan niệm thẩm mỹ ngày nay, thì người ta cho rằng người nào có màu da nâu nâu, ngăm ngăm thì đẹp hơn. Cho nên thiên hạ đua nhau đi tắm nắng ngoài bãi biển. Ở những vùng không có biển người ta phơi nắng trên sân thượng, thậm chí trên mái nhà! Hoặc nằm trong thùng ánh nắng nhân tạo. Phơi nắng nhiều quá độ sẽ bị cháy da, có thể gây ra bệnh ung thư da melanoma rất nguy hiểm. Trong cơ thể của mỗi người có số lượng sắc tố melanin khác nhau ở trong da. Có người dễ bị nám nắng, dễ bị cháy da hơn người khác. Người có làn da trắng nhạt dễ bị nám nắng hơn. Những người có làn da trắng bạch tạng chỉ cần ra ngoài nắng mỡi ngày 10 phút là đủ. Mỗi sắc dân trên thế giới có màu da khác nhau, lượng melanin khác nhau, vì thế, sự cảm ứng của ánh nắng tác dụng trên da cũng khác nhau. Các dân tộc sống trên các hải đảo tại Thái Bình Dương, và các dân tộc Phi Châu ít bị cảm ứng vì ánh nắng mặt trời.

Ánh sáng vật lý của mặt trời có khả năng chống vi trùng để bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Sinh vật và thực vật có được sự sống khỏe mạnh, tốt tươi.

“Không khí trong lành, Ánh nắng mặt trời, sự tiết độ, sự nghỉ ngơi, sự vận động, phép dinh dưỡng thích đáng, sự sử dụng nước uống tinh khiết, niềm tin nơi quyền năng Thượng Đế, đó là những phương thuốc chính hiệu” (Phỏng trích trong Ministry of Healing, trang 127)

bottom of page